Gần đây mình nghĩ nhiều về thời gian, về sự tồn tại của những điều không còn là mới nhất, lạ nhất, đáng khám phá nhất. Làm thế nào để họ, dù là một thương hiệu cá nhân hay một đế chế tập đoàn, duy trì được chỗ đứng của mình giữa muôn vàn mới mẻ mọc lên mỗi ngày, và không ít những tượng đài khác thì đã sừng sững ở đó trước họ biết bao lâu? Là một Millennial ở tuổi trưởng thành, may mắn được trải qua không ít nốt thăng và trầm trong sự nghiệp, giờ đây mình cũng miệt mài trả lời câu hỏi trên mỗi ngày.
Đó không phải một đề bài dễ dàng, nhưng mình phải thành thật với bạn rằng, quá trình “giải toán” ấy mang lại một cảm giác thoả mãn tới khó tả. Nó giống như bạn đang ở trên một con tàu cứ lặn sâu dần, sâu dần vào đáy đại dương vậy. Không ít những con tàu khác đều không chịu được sức ép tăng dần, và cứ thế vỡ tan trước mắt bạn. Phần nhiều những con tàu khác đều lựa chọn lướt trên mặt nước, nơi đông đúc nhất nhưng cũng dễ được nhìn thấy nhất, và bạn chỉ cần là con tàu to nhất, hoành tráng nhất, hoặc đôi khi là may mắn đứng ở đúng chỗ nhất để nhận được sự quan tâm.
Thế nhưng khung cảnh hùng vĩ và muôn màu của đại dương, đòi hỏi bạn phải có khả năng lặn xuống kìa. Càng lặn sâu, cảnh sắc càng khôn lường biến đổi. Hành trình của bạn càng phong phú, thi vị, bạn sẽ được nhìn thấy và kinh qua những điều chẳng mấy ai chạm được vào, nhưng đồng thời cũng vô cùng thử thách.
Với mình, như vậy mới là đáng sống.
Mình đam mê số liệu. Và ít ca sĩ nào cho mình nhiều số liệu như Taylor Swift. Điểm qua một lượt các đầu báo kinh tế, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tiêu đề về việc Taylor đang đóng góp như thế nào vào nền kinh tế của một thành phố, một tiểu bang, thậm chí là cả một quốc gia. Cụm từ Swiftonomics được Generative Ai của Google nhận diện nhờ có quá nhiều người tìm kiếm, và giải thích như sau:
Swiftonomics is a term that refers to Taylor Swift's economic influence and the impact she has on different sectors. Swift's Eras Tour performances have had a positive effect on local economies. The power of Swiftonomics comes from Swift's unique influence and business choices.
Swiftonomics là một thuật ngữ đề cập tới sức ảnh hưởng kinh tế của Taylor Swift, và những khía cạnh khác nhau mà cô ấy tác động lên. Eras Tour của Swift có một tác động tích cực lên kinh tế địa phương (tại những nơi mà tour diễn ra). Quyền lực của Swiftonomics đến từ những quyết định kinh doanh sáng suốt và sức ảnh hưởng độc nhất của Swift.
Hãy lùi lại một bước và nghĩ về công việc của chúng ta. Nếu bạn cũng làm Marketing giống mình, đây là thời điểm để bạn bắt đầu nhìn thấy sự hoàn hảo khó-có-thể-là-tình-cờ trong cách cụm từ Swiftonomics được liên tục nhắc tới tại những đầu báo uy tín nhất, những bài viết phân tích cách việc Taylor khôn ngoan ra sao khi đưa Eras Tour trở thành một bộ phim chiếu rạp, chính phủ Singapore đã đưa ra một thoả thuận cạnh tranh đến thế nào để Taylor chỉ diễn tại đây trong khu vực Đông Nam Á, và rất nhiều những góc nhìn đa chiều khác để phóng chiếu hình ảnh Taylor dưới góc độ là một lực đẩy tích cực, thú vị và mới mẻ cho nền kinh tế toàn cầu.
Tất cả những điều này có ngẫu nhiên xảy ra không? Cá nhân mình nghĩ là không. Taylor Swift đã ở một tầm cao đủ để cô có sự kiểm soát nhất định về những thông tin xuất trên truyền thông về bản thân – đặc biệt là những thông tin tích cực. Chúng ta thường chỉ bất lực trước những thông tin tiêu cực về bản thân mà thôi.
Sự xuất hiện có tính toán này có khiến mình đề phòng hay ác cảm với Taylor không? Cũng hoàn toàn không. Ngược lại, nó chính xác là điều khiến mình cảm thấy nể phục và tò mò về nữ ca sĩ/ doanh nhân này hơn gấp nhiều lần, và mải mê đọc không ngừng nghỉ.
Nào, sau đây là những con số ấn tượng mình đã tìm thấy để khẳng định rằng Taylor thực sự đang cải thiện kinh tế của bất cứ nơi nào cô đặt chân tới, và đáng được săn đón không chỉ bởi người hâm mộ, mà còn bởi bất cứ nhà cầm quyền thông thái nào:
Đọc nguồn tại đây.
Đọc nguồn tại đây.
Tại Singapore, không ít trong tổng sô 300,000 vé bán ra thuộc về người hâm mộ nước ngoài, những người sẽ bay tới Singapore để gặp Taylor Swift. Các khách sạn và nhà hàng tại Singapore hẳn nhiên không đứng ngoài cuộc chơi này.
Khách sạn 5 sao huyền thoại của Singapore, Marina Bay Sands, tạo ra hẳn một gói dịch vụ mang tên The Wildest Dreams Package gồm 3 đêm tại khách hàng, 4 vé VIP tham gia concert, và 2 chuyến xe đón/đưa bạn tại sân bay trên một chiếc limosine sang trọng. Thực sự là một “giấc mơ hoang dại” (và xa xỉ) nhất để đến với thần tượng trong mơ của mình. Giá của gói dịch vụ này ư? 40 ngàn đô la. Có ai sẵn sàng chi trả cho điều này không? Câu trả lời là không hề ít. Marina Bay Sands cho biết hơn 90% khách mua gói này đến từ nước ngoài, còn trang web đặt khách sạn Agoda thì nói rằng lượt tìm kiếm cho chỗ ở tại Singapore tăng gấp 160 lần so với thông thường, ngay sau khi Eras Tour mở vé bán vào mùa hè năm ngoái.
Nomura Bank nói rằng hiệu ứng cộng hưởng của 6 đêm diễn Taylor Swift và 6 đêm diễn Cold Play vào tháng 1/2024 đã mang lại cho ngành du lịch Singapore hơn 300 triệu đô chỉ ngay trong quý 1 năm nay. Một con số đáng mơ ước. Một kết quả to rõ ràng hơn bất cứ banner truyền thông nào về sức ảnh hưởng của Taylor Swift.
Và nếu bạn muốn đọc một bản tóm tắt với tương đối nhiều số liệu đi kèm link dẫn chứng về Swiftonomics, đây có lẽ sẽ là bài viết phù hợp nhất.
Còn vô vàn những bài viết và nội dung khác mà mình đã chìm đắm trước khi dần dần bị Swiftonomics thu phục. Và giây phút mình bừng tỉnh khỏi Taylor như cái cách bạn giật mình nhận ra mình đã xem hết cả một season của một series mới lúc nào không hay, mình đặt ra 3 câu hỏi lớn:
1. Tại sao mình lại cảm thấy thiện cảm và hào hứng với hiện tượng Taylor Swift đến vậy khi nhìn cô ấy trở thành tỉ phú, kiếm ra rất nhiều tiền, và ngày càng trở nên giàu có? Giàu có hẳn nhiên không phải một cái tội, nhưng nó thường tạo ra cảm giác đề phòng, bớt tin tưởng và hạ nhiệt cảm xúc. “Đây là thành quả của một đội ngũ hùng hậu, và người này chỉ là gương mặt đại diện đứng ra thôi.” – những thành công to lớn luôn mang lại cho mình cảm giác này. Tại sao mình cảm thấy điều đó với mọi ngôi sao K-Pop, với các entrepreneur lừng lẫy (như Mark Zuckerberg chẳng hạn), nhưng không cảm thấy vậy với Taylor Swift?
2. Tại sao Taylor Swift lại chọn chia sẻ khía cạnh này? Tại sao lại chọn nói về những điều không liên quan gì đến âm nhạc, sáng tác, trình diễn hay thậm chí là đời tư – những chủ đề rất quen thuộc mà mọi ca sĩ/ người làm trong ngành giải trí đều nói tới để phục vụ cộng đồng người hâm mộ của mình?
3. Tại sao Taylor Swift vẫn duy trì được sức hút của bản thân? Tại sao một người làm giải trí có thể duy trì được sức nóng khủng khiếp này sau gần 20 năm hoạt động (album đầu tiên của Taylor ra mắt vào năm 2006 – mình chắc chắn rằng 2 năm nữa Taylor sẽ lại cho chúng ta một điều gì đó để nói tới không ngừng), và có thể tạo nên một hiện tượng đáng kinh ngạc trên toàn thế giới chứ không riêng gì nơi cô hoạt động nhiều nhất?
Ở đầu bài viết, mình có nhắc tới thời gian. Mình xin thành thật rằng cả 3 câu hỏi lớn phía trên đều được mình đặt ra trong một sự nể phục không che giấu với Taylor Swift, vì đã có quá nhiều những “vụ nổ lớn” đến và đi. Để trở thành một hiện tượng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không phải là dễ dàng, nhưng cũng không khó gặp. Để trở thành một hiện tượng toàn cầu một-lần-duy-nhất trong suốt hành trình sự nghiệp của một ca sĩ/ một nhóm nhạc cũng không phải điều khiến mình quan tâm đến thế – điều này cũng xảy ra nhiều rồi. Nhưng trở thành một hiện tượng toàn cầu lần thứ n, lần sau lại bùng nổ hơn lần trước, sau khi đã hoạt động gần 20 năm trong một ngành công nghiệp luôn luôn thay đổi thì với mình, đòi hỏi một bộ não siêu việt và một hành trình phi thường. Trong khuôn khổ bài viết này, mình không thể trả lời cả 3 câu hỏi một cách chỉn chu và chi tiết nhất. Mình cũng không dám hứa trước là mình sẽ viết đủ 3 bài để trả lời cả 3 câu – việc chính của mình vẫn là đi bán đồ ăn thức uống cho các doanh nghiệp…
Nên trước mắt, mình sẽ trả lời những điều với mình là nổi trội, đáng quan tâm nhất. Và hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau trong những bài viết tiếp theo.
Cũng như làm marketing cho một quán cafe, một nhà hàng, làm marketing cho bất cứ thương hiệu nào cũng sẽ đòi hỏi bạn 2 (trong số rất nhiều) điều: Định vị được Chân dung Khách hàng, và liên tục Mở rộng tập Khách hàng của mình. Đây là hành trình mà mình thường áp dụng một công thức cá nhân: đi từ Sâu tới Rộng.
Hãy quay về với F&B Marketing một xíu trước khi tiếp tục với Taylor Swift, để mình giải thích kỹ hơn (một trong số rất nhiều) công thức Hà Chu works tự-tạo này nhé. Còn nếu bạn chỉ muốn đọc về Taylor Swift thôi, có thể đi thẳng xuống đây:
“từ Sâu tới Rộng” trong việc xây dựng và phát triển tập khách hàng là gì?
Đầu tiên phải đi Sâu: phải xác định được chân dung khách hàng chính xác nhất cho thương hiệu. Nhóm này có thể không phải số đông, không có quá nhiều, nhưng là những người phù hợp nhất, có pain-point được giải quyết chính xác nhất với những gì mà thương hiệu đang mang lại. Có thể nói nhóm khách hàng này chính là lý do mà thương hiệu ra đời, là vấn đề mà người chủ doanh nghiệp trăn trở, khao khát giải quyết tới mức quyết định kinh doanh để phục vụ những người cùng có vấn đề ấy. Trong F&B, đó có thể là một món ăn chưa từng xuất hiện tại nơi đây, một kiểu hương vị, một cách nấu nướng, một trải nghiệm chưa có ai phục vụ.
Gần đây chúng ta có thể quan sát được sự bùng nổ của xu hướng Private Dining – đó là một trải nghiệm càng lúc càng nhiều người có nhu cầu, nhưng số lượng người phục vụ lại quá ít. Những nhà hàng Private Dining khi ra đời, trước khi hướng tới việc được số đông biết tới cần tập trung vào việc xây dựng Chân dung của những người Khách hàng thực sự có nhu cầu với Private Dining để thoả mãn chính xác từng mong muốn của họ đã: Liệu họ có muốn một thực đơn lặp đi lặp lại không? Đâu là điều họ tìm kiếm khi không tự nấu ở nhà, cũng không ăn ở những nhà hàng thông thường? Đây sẽ là những người rất ít khi ăn ngoài hàng, hay là những người đã ăn rất nhiều các nhà hàng ngoài kia rồi và vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó khác-biệt? Chân dung của người Khách hàng cốt lõi này càng sâu sắc, càng cụ thể tới đâu, thì quá trình xây dựng trải nghiệm, sản phẩm và chiến lược marketing của thương hiệu càng chắc chắn tới đó.
Trong bối cảnh Private Dining, bạn có thể thấy rằng khi mới ra mắt, chưa chắc nhà hàng đã mong muốn được số đông biết tới. Ít ít thôi, truyền miệng nhau đi, chúng tôi sẽ phục vụ tốt hơn khi các bạn không ùn ùn gõ cửa. Họ thường còn giới hạn người ăn và yêu cầu phải đặt bàn trước vài ngày vì vậy.
Trong bối cảnh của phần lớn các thương hiệu khác, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng chiều Sâu luôn đến trước chiều Rộng. Việc được tiếp đón và phục vụ chính xác tập khách hàng mình mong muốn giúp bạn cải thiện chất lượng sản phẩm nhanh hơn, hoàn thiện trải nghiệm tốt hơn, và tránh rơi vào tình trạng “9 người 10 ý”. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người vào cùng một thời điểm được, vậy nên tốt nhất là hãy tập trung làm hài lòng những người quan trọng nhất với bạn để xây dựng một nền móng thật chắc chắn cho thương hiệu trước. Sau khi đã có nền móng vững rồi, lúc này hẵng nghĩ tới việc đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ để mở rộng tập khách hàng.
Sau khi bạn đã đi Sâu và xây dựng được tập khách hàng cốt lõi cũng như nền tảng giá trị cho thương hiệu một cách vững chắc rồi, bạn cần chuyển sang đi Rộng. Vấn đề của tập khách hàng cốt lõi nằm ở số lượng và khả năng chi tiêu của họ – sẽ tới một thời điểm mà thương hiệu của bạn chạm mức trần về doanh số, bởi khách hàng không có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, và số lượng khách hàng cũng không còn tăng lên nữa. Vào thời điểm này để doanh thu tiếp tục tăng trưởng và việc kinh doanh tiếp tục phát triển, bạn sẽ đối diện với 2 lựa chọn:
– Một là, tăng mức chi tiêu của khách hàng. Bạn có thể ra mắt những sản phẩm cao cấp hơn, những trải nghiệm đặc biệt hơn, nhằm khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn.
– Hai là, tăng số lượng khách hàng. Bạn có thể mở thêm cơ sở mới ở một khu vực khác, ra mắt những sản phẩm, trải nghiệm và hương vị phong phú hơn để thu hút nhiều tập khách hàng khác nhau thay vì chỉ phục vụ một tập khách hàng sẵn có.
Trong trải nghiệm của mình, cách một là rất khó và thường chỉ hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn. Cách hai là con đường mà dần dần mọi thương hiệu đều lựa chọn, vì đây là cách duy nhất để hành trình phát triển của thương hiệu có thể kéo dài trong nhiều năm thay vì chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Đi Rộng, rất khác với đi Sâu.
Điều kiện tiên quyết của việc đi Rộng là có một nền móng vững. Trong thời buổi cạnh tranh ngày nay, không ai cần một thương hiệu cố gắng tìm cách chiều lòng tất cả mọi người cùng một lúc.
Hãy nhìn vào Phê La chẳng hạn. Trước khi ra mắt các dòng đồ uống với Matcha, với nấm truffle, hay thậm chí là trân châu có hương hoa phong lan, thì điều khiến Phê La ghi dấu trong lòng khách hàng đã luôn là “trà đậm vị” và “pha thủ công”. Nếu không có 2 nền móng này “chống lưng” cho mọi sáng tạo trên, thì Phê La rất có khả năng sẽ chìm nghỉm giữa hàng trăm ngàn thương hiệu trà sữa khác vì sự lan man khó hiểu, thiếu tính liên kết trong mỗi lần sáng tạo hương vị của mình (lúc thì sử dụng một nguyên liệu xu hướng như matcha, lúc thì thử nghiệm với một hương vị cao cấp như nấm truffle, lúc thì lại rất “số đông” với việc sáng tạo trên trân châu?).
Chính nền móng trà đậm vị và pha thủ công đã tạo nên tính liên kết chặt chẽ cho mọi sáng tạo trên, và khiến chúng trở nên hấp dẫn một cách đồng đều. Nền móng ấy giúp cho tập khách hàng chiều sâu, thích thú và trung thành với thương hiệu cảm thấy an toàn và hào hứng để thử các vị mới. Các sáng tạo mới đồng thời lại tiếp cận nhóm khách hàng chiều rộng, nơi mà độ đậm có thể giảm bớt đôi chút để nhường chỗ cho những hương vị mới mẻ, thú vị, có tính xu hướng hơn, phục vụ đa dạng các nhu cầu và sở thích của những nhóm khách hàng khác nhau hơn.
Cá nhân mình nghĩ điều quan trọng nhất trong hành trình đi Rộng, là không đánh mất nhóm khách hàng thương hiệu đã có được khi đi Sâu. Nhóm khách hàng cốt lõi luôn cần được chăm sóc và phục vụ chu đáo, và các nhóm khách hàng mở rộng cần tương thích tốt với nhóm khách hàng cốt lõi: họ nên có tính bổ trợ cho nhau thay vì va chạm lẫn nhau (ví dụ như, nhóm khách hàng thích nhậu bia hơi sẽ không bổ trợ tốt cho nhóm khách hàng thích ăn uống yên tĩnh), và từ đó tạo nên sự phát triển cho thương hiệu. Công việc của một thương hiệu, bởi vậy càng lớn cũng càng nặng nề vì càng lúc càng nhiều việc: vừa phải chăm sóc kỹ càng và không mệt mỏi với nhóm khách hàng cốt lõi, vừa phải liên tục học hỏi, tiếp cận và chăm sóc nhóm khách hàng mới, rộng và đa dạng để thương hiệu phát triển.
Nào, từ đây hãy trở về với Taylor Swift.
Thương hiệu Taylor Swift có xuất phát điểm là một ca sĩ/ người sáng tác. Cô chạm vào lòng những người hâm mộ trung thành của mình bằng cách đưa nỗi lòng của họ vào những giai điệu đẹp đẽ và mềm mại nhất. Cô chuyển thể quá trình lớn lên, học cách yêu, đối diện với niềm vui và đau khổ trong tình yêu, trưởng thành và “thay vỏ” mà tất cả chúng ta đều phải trải qua vào trong từng bài hát. Mình tin rằng ai cũng có thể tìm thấy một bài hát của Taylor Swift khiến bạn cảm thấy như bài hát ấy viết về mình.
Với cá nhân mình, gần đây nhất là exile (bản hát cùng Bon Iver) – bài hát khiến mình bắt đầu nghe Taylor Swift trở lại sau nhiều năm chểnh mảng.
Nhóm người hâm mộ trung thành tối cao của Taylor lớn lên cùng những nỗi niềm của cô, và trưởng thành cùng cô. Mình may mắn nằm trong thế hệ đó, vì chỉ kém cô có 3 tuổi. Những người hâm mộ trung thành khác có thể không trải qua những bước trưởng thành trong tình yêu và suy nghĩ vào cùng một thời điểm với Taylor, nhưng những cảm xúc như You Belong With Me, Bad Blood, Love Story hay Enchanted thì mình tin là luôn relevant (“luôn phù hợp” nghe thật lạnh nhạt) vào mọi thời điểm với mọi con tim đang tập yêu và tập tan vỡ.
Taylor là người “đi sâu” vào tập khách hàng cốt lõi hơn bất kỳ ca sĩ nào mình từng biết. Thay vì mở họp báo, cô mở listening party cho người hâm mộ đến nhà riêng của mình, ăn bánh mình làm, cùng nghe album mình sắp ra mắt (trước cô, có ai làm vậy không?). Cô tâm sự với mọi người qua Tumblr, như mọi cô gái emo cùng thời đại khác – cô cũng chẳng khác mình, khác bạn (nếu bạn là một 9x đời đầu), khác cô bạn thân emo của chúng ta là mấy. Cô cũng nổi tiếng với việc bất ngờ biến giấc mơ của người hâm mộ thành sự thật: xuất hiện và hát trong đám cưới của họ, trả lời thư của họ, đến gặp họ tại bệnh viện, tại trường, tại nhà riêng. Taylor không bao giờ ngừng làm cho người hâm mộ của cô an tâm rằng cô nghe thấy họ, và không phải nghe thấy qua những màng lọc của đội ngũ PR hay ekip hùng hậu của mình. Cô trực tiếp nghe từng lời nhắn của họ, và trực tiếp trả lời.
Nếu có một điều gì không thay đổi ở Taylor, thì đó là sự bền bỉ đi sâu với tập khách hàng/ tập người hâm mộ trung thành của mình từ những ngày đầu sự nghiệp tới giờ. Cô chạm vào lòng họ một cách cá nhân, như một cuộc nói chuyện 1:1 thân mật và gần gũi tới mức mình không ngừng nể phục. Hãy nghĩ về chiến dịch Taylor’s version – đây là phần chúng mình có nói khá kỹ trong podcast tại Những câu chuyện làm “Ngành” rồi, nên mình xin phép không viết lại tại đây nữa.
Nếu đã hơi mỏi mắt, bạn có thể tạm dừng và lắng nghe tại đây trước khi đọc tiếp nhé.
Bạn có thể nghĩ rằng chỉ tập trung phục vụ nhóm người hâm mộ ấy là đủ. Cá nhân mình cũng nghĩ là đủ, nhưng với Taylor thì là chưa đủ. Hành trình sự nghiệp của cô không ngừng lớn lên, và rồi cũng đến một thời điểm “thương hiệu” Taylor Swift cần lớn hơn hình ảnh ca sĩ/ người sáng tác.
Lớn hơn như thế nào đây?
Ở ngã rẽ này, mình thấy có 2 lựa chọn phổ biến. Một là, họ sẽ trở thành một người giải trí (entertainer). Họ sẽ cho bạn nhìn thấy nhiều hơn đời tư cá nhân, tham gia nhiều quảng cáo và các hoạt động và chương trình giải trí hơn, để thu hút thêm một tập người hâm mộ thích thú với ngoại hình, tính cách cá nhân và khả năng giải trí thay vì hứng thú với năng lực chuyên môn của họ. Các ngôi sao K-Pop đi theo con đường này khá nhiều. David Beckham cũng đi con đường này.
Hai là, họ sẽ chuyển sang thử sức với kinh doanh và xây dựng thêm thương hiệu bên cạnh thương hiệu cá nhân sẵn có. Rihanna hay Kanye West là những tượng đài trong mảng này. Chị gái Rihanna thậm chí còn mải kinh doanh quên cả hát… Là một người hâm mộ Rihanna từ những ngày đầu mình bức xúc lắm, nhưng đành vượt qua thôi vì bức xúc cũng không tạo ra thay đổi gì cả :)
Taylor lựa chọn một con đường khác biệt. Cô là người đầu tiên mình thấy lựa chọn con đường thứ hai, nhưng không xây dựng thêm thương hiệu. “Thương hiệu” của cô vẫn là Taylor Swift, và sản phẩm của cô vẫn là Taylor Swift – cụ thể là những bài hát, những sáng tác, những đêm trình diễn của Taylor Swift. Cô cũng bán vật phẩm, cũng làm ra hàng trăm ngàn những chiếc T-shirt và túi tote, nhưng tất cả vẫn chỉ xoay quanh thương hiệu nền tảng là Taylor Swift. Mình đánh giá điều này khó làm hơn việc xây dựng một thương hiệu kinh doanh độc lập rất nhiều: làm thế nào để mở rộng “tập khách hàng” mà không mở rộng “sản phẩm”? Làm thế nào để đưa một góc nhìn mới, một giá trị mới vào sản phẩm mình sẵn có để thu hút một tập khách hàng hoàn toàn mới – và kể cả có làm được đi chăng nữa, thì làm thế nào để chọn ra được “tập khách hàng mới” ấy đây? Ai sẽ là người phù hợp, sẽ không mâu thuẫn với tập người hâm mộ trung thành sẵn có của cô, và giúp danh tiếng lẫn thu nhập của cô tăng trưởng?
Câu trả lời của Taylor là gì? Cô lựa chọn những người đứng đầu về kinh tế, chính trị, du lịch của một khu vực, một đất nước làm “tập khách hàng” tiếp theo của mình.
Cô xây dựng sản phẩm của mình, những đêm diễn hoành tráng, thành một lựa chọn tuyệt đối không thể bỏ lỡ không chỉ cho người hâm mộ, mà còn là một đòn bẩy kinh tế đáng mơ ước trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động và bấp bênh.
Cô chứng minh sức mạnh của thương hiệu Taylor Swift bằng số liệu, vì tập khách hàng mới của cô chỉ tin vào số liệu chứ không tin vào cảm xúc của lần thất tình đầu tiên (họ có lẽ còn chẳng nhớ nổi lần ấy như thế nào nữa). Và số liệu là những gì đã tạo nên cú PR Stunt gần đây nhất, một cuộc collab giữa Taylor Swift và Singapore – còn gì hấp dẫn hơn khi Taylor đang đến gần bạn hơn bao giờ hết, và bạn chẳng cần phải visa cũng có thể gặp được cô?
Con đường này không chỉ giúp Taylor giữ được nguyên vẹn hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ – cô vẫn là người ca sĩ/ nhà sáng tác luôn gần gũi, lắng nghe, trò chuyện thân mật với họ, mà còn giúp cô tăng giá trị cho thương hiệu hơn bao giờ hết trong mắt một tập khách hàng hoàn toàn mới – những người sẽ tôn trọng và ủng hộ tuyệt đối sức ảnh hưởng của cô, vì bây giờ cô và họ đang cùng chia sẻ lợi ích. Cô càng được yêu mến, thì đất nước/ khu vực của họ càng phát triển về kinh tế. (Tuy không liên quan lắm, nhưng tại đây là một recap hài hước mà vô cùng chính xác về việc Taylor Swift, chính phủ Singapore và người hâm mộ trung thành của cô đã tay trong tay tạo nên cho nhau một trải nghiệm “đu idol” tuyệt vời và đáng nhớ ra sao. Nếu có thời gian hoặc đơn thuần là đang muốn giải trí, mình xin bạn hãy đọc để được khóc và được cười cùng Tùng Nâm.)
Đi tới đây, mình thực sự muốn ngả mũ bái phục và xin được gia nhập vào cộng đồng Swiftie một cách hoàn toàn tự nguyện. Mình thích những bài hát của Taylor, nhưng thứ mình thực sự hâm mộ là tư duy kinh doanh của Taylor. Trên hành trình tìm hiểu về Swiftonomics, mình cũng tìm được nhiều người cùng suy nghĩ tới mức mình cảm giác chỉ riêng những người làm Marketing hâm mộ tư duy kinh doanh của Taylor cũng thêm được kha khá hội viên cho câu lạc bộ người hâm mộ của cô. Và cả sáng nay, mình cũng vừa stream nhạc của cô vừa viết những dòng này đây.
Swiftonomics nói riêng và Taylor Swift nói chung đã là một nguồn cảm hứng to lớn cho mình trong những ngày vừa rồi. Một hành trình gần 20 năm bền bỉ đi từ sâu tới rộng. Một tượng đài trong việc xây dựng thương hiệu, tạo dựng giá trị, gắn kết lòng trung thành, và vẫn không ngừng làm mới bản thân. Hành trình ấy không chỉ truyền cảm hứng cho những ai làm trong ngành giải trí, mà cho bất cứ ai làm kinh doanh, làm marketing, cho bất kỳ sản phẩm nào để có thể học hỏi. À, và cả hành trình ra mắt những sản phẩm chất lượng nữa. Nhìn tốc độ ra mắt album của Taylor Swift bên cạnh tất cả những gì cô đã và đang làm, đôi khi mình tự hỏi đây có phải là người không nhỉ?…
Còn bạn, bạn nghĩ sao?
Kommentare